Giá trị cốt lõi và phương châm hành động của Bộ Khoa Học và Công Nghệ
17/03/2025
211 Lượt xem
Bộ Khoa học và Công nghệ (KHCN) là nốt thắt quan trọng trong hệ thống quản lý nhà nước, giữ vai trò dẫn dắt và thúc đẩy đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, kinh tế. Để đạt được mục tiêu này, Bộ trưởng Bộ KHCN Nguyễn Mạnh Hùng đã xác định 5 giá trị cốt lõi và 4 phương châm hành động như kim chỉ nam trong hoạt động của Bộ.
Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Nguyễn Mạnh Hùng.
Giá trị cốt lõi
- Tiên phong: Không chỉ là việc đi đầu trong nghiên cứu, ứng dụng công nghệ mà còn là dám đối mặt với thách thức, mở đường cho những hướng đi mới. Nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, ứng dụng công nghệ, chuyển đổi lên môi trường số, đổi mới sáng tạo phải đi đầu để thay đổi thứ hạng, hưởng lợi lớn và thoát bẫy thu nhập trung bình, để Việt Nam trở thành nước phát triển có thu nhập cao.
- Sáng tạo: Là quá trình tạo ra cái mới, bao gồm phát minh, đổi mới, cải tiến, và tạo sự khác biệt so với những gì đã có trước đó. Để phát triển, cần những ý tưởng mới, những giải pháp mới để dẫn dắt xã hội và làm nền tảng cho sự tiến bộ. Bản chất của khoa học và công nghệ chính là sự sáng tạo, luôn tìm kiếm những cách tiếp cận mới, phương pháp mới và định hình những giá trị mới. Trong giai đoạn hiện nay, sáng tạo gắn liền với khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và quá trình chuyển đổi số.
- Đột phá: Là bước tiến vượt bậc, mang tính bứt phá mạnh mẽ, phá vỡ những giới hạn cũ, tạo ra sự thay đổi mang tính cách mạng. Đó là sự sáng tạo mang tính phá hủy, tạo ra mô hình mới làm thay đổi hoàn toàn cuộc chơi. Nghiên cứu khoa học công nghệ đã và đang tạo ra nhiều đột phá, không chỉ trong lĩnh vực tự nhiên mà cả trong nghiên cứu xã hội, nhân văn, và công nghệ chiến lược. Để một đất nước phát triển nhanh và bền vững, cần có những đột phá, cách tiếp cận mới cả trong tư duy lẫn hành động, từ đó tạo động lực cho sự tiến bộ toàn diện.
- Trung dũng: Là sự kết hợp giữa lòng trung thành và tinh thần dũng cảm, trung thực. Trung thành là sự tận tâm, tận tụy, hết lòng phụng sự lý tưởng, quốc gia và tổ chức của mình. Dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào, dù khó khăn đến đâu, người trung thành vẫn kiên định với lý tưởng, sự nghiệp đổi mới và mục tiêu đã đặt ra. Trung thành còn thể hiện ở việc gắn bó với tổ chức, đơn vị của mình, cùng nhau vượt qua khó khăn chứ không bỏ cuộc.
- Nghĩa tình: Là biết ơn. Nghĩa tình là sự biết ơn. Ăn quả nhớ kẻ trồng cây. Biết ơn các thế hệ đi trước. Là có trước, có sau. Hôm nay không tự nhiên mà có. Cái mình đang được hưởng hôm nay cũng không tự nhiên mà có. Muốn nghĩa tình thì đầu tiên là làm cho tổ chức mà cha anh đã dựng xây lên tiếp tục phát triển, có được những vinh quang lớn hơn. Giống như con sông thì có cội, có nguồn nhưng phải chảy ra được biển lớn. Là kế thừa quá khứ và mở ra tương lai mới. Nghĩa tình tạo ra mối liên kết giữa các thế hệ và tạo ra dòng chảy liên tục. Nghĩa tình chỉ có ở con người.
Phương châm hành động
- Làm gương: Nhấn mạnh vai trò của người lãnh đạo trong việc nói trước, làm trước, tạo niềm tin và động lực cho tập thể. Làm gương cũng là một trong 5 phương thức lãnh đạo của Đảng. Với người châu Á, người Việt Nam thì làm gương là quan trọng số một đối với người lãnh đạo.
- Kỷ cương: Là sự tuân thủ nghiêm ngặt của mọi cá nhân, ở mọi cấp độ và trong mọi công việc. Sức mạnh của một tổ chức được xây dựng từ nền tảng kỷ cương. Nếu thiếu kỷ cương, tổ chức sẽ không thể hoàn thành bất kỳ nhiệm vụ nào. Kỷ cương thể hiện qua việc nhận nhiệm vụ thì phải làm đến nơi đến chốn, đạt được kết quả cụ thể; đã hứa thì phải thực hiện; mệnh lệnh ban ra phải được thông suốt từ trên xuống dưới. Mỗi thành viên trong tổ chức đều phải có ý thức kỷ cương và kỷ luật, vì đó là yếu tố then chốt tạo nên sự đoàn kết, hiệu quả và thành công của tập thể.
- Trọng tâm: Là việc xác định và tập trung vào những yếu tố then chốt, chiếm 10-20% nhưng quyết định đến 80-90% kết quả. Việc tìm ra điểm cốt lõi thường là bước đầu tiên và cũng là bước khó khăn nhất, sau đó mới đến hành động. Ví dụ, khi nhận một nhiệm vụ, thay vì lao vào làm ngay, cần phân biệt rõ đâu là việc chính, đâu là việc phụ. Việc phân bổ nguồn lực cũng cần dựa trên nguyên tắc này, bởi với nguồn lực hạn chế, nếu không tập trung vào những yếu tố trọng yếu, công việc sẽ khó đạt được kết quả cao, thậm chí chỉ dừng lại ở mức trung bình.
- Bứt phá: Là tìm ra cách tiếp cận độc đáo, sáng tạo để tạo ra sự phát triển vượt bậc. Nếu không có sự phát triển bứt phá, một quốc gia sẽ khó thay đổi được vị thế của mình. Việt Nam muốn vươn lên trở thành một nước phát triển, cần phải có những bước đi đột phá. Trong mỗi cuộc cách mạng công nghệ, chỉ có một số ít quốc gia thành công trong việc "hóa rồng, hóa hổ", và đó chính là những nước đã tìm ra được con đường phát triển bứt phá.
Những giá trị và phương châm này không chỉ là nền tảng hoạt động của Bộ KHCN, mà còn là kim chỉ nam để Việt Nam bước vào kỷ nguyên mới với sự phát triển bài bản và bền vững.