Theo từ điển Encyclopedia của Wikipedia, Sàn giao dịch (Exchange) là một thị trường có tổ chức (Organized market), trong đó các giao dịch chứng khoán, hàng hóa, ngoại hối, sản phẩm hướng về tương lai, và các hợp đồng tùy chọn được mua và bán. Như vậy, sàn giao dịch công nghệ (SDGCN) là sàn giao dịch hàng hóa, trong đó hàng hóa giao dịch chính là các công nghệ. Có thể hiểu theo nghĩa rộng hơn, SDGCN là môi trường tối ưu để hội tụ các yếu tố của thị trường công nghệ nhằm thúc đẩy thực hiện thành công các giao dịch chuyển giao công nghệ.
SDGCN là một loại hình tổ chức dịch vụ khoa học công nghệ ở trình độ cao, đóng vai trò quan trọng, góp phần thúc đẩy thị trường công nghệ. Cụ thể: Thứ nhất, SDGCN đáp ứng được mô hình thông tin trong hoạt động chuyển giao công nghệ, được xem như mô hình tiên tiến về nhận thức trong chuyển giao công nghệ, thay thế các mô hình đã có trước đó, với quan điểm chuyển giao công nghệ là quá trình tương tác 2 chiều, liên tục và đồng thời giữa các cá thể có liên quan. Thứ hai, SDGCN đáp ứng tốt vai trò kết nối cung - cầu trong thị trường chuyển giao công nghệ vì mang tính đa ngành, đa lĩnh vực, không phân biệt vị trí địa lý, có thể mở rộng hợp tác trên phạm vị trong và ngoài nước. Thứ ba, SDGCN là đầu mối thu hút nguồn lực KH&CN trong và ngoài nước và là chỗ dựa tin cậy cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong tiến trình đổi mới công nghệ. Thứ tư, với vai trò tổ chức trung gian, SDGCN vừa gắn kết chặt chẽ với thị trường công nghệ vừa là chất xúc tác, dẫn động của thị trường công nghệ. Như vậy, SDGCN là môi trường tối ưu, hội tụ các chức năng của tổ chức trung gian nhằm thúc đẩy thực hiện thành công các giao dịch chuyển giao công nghệ trên thị trường.
Tóm lại, “SGDCN là loại hình tổ chức trung gian, một trong các yếu tố cấu thành quan trọng của thị trường KH&CN (TTKH&CN), có khả năng thực hiện tất cả các dịch vụ hỗ trợ các bên có nhu cầu giao dịch công nghệ, tài sản trí tuệ, từ chào mua, chào bán, giới thiệu, đại diện, đại lý, tư vấn, môi giới, hỗ trợ định giá, hỗ trợ kỹ thuật, hỗ trợ đàm phán, ký kết đến thực hiện giao dịch công nghệ, tài sản trí tuệ" (Theo thông tư số 16/2014/TT-BKHCN ngày 13 tháng 6 năm 2014).
- Cung cấp các dịch vụ hỗ trợ các bên tiến hành giao dịch công nghệ, tài sản trí tuệ bảo đảm tính hợp pháp, an toàn và hiệu quả;
- Điều hành, giám sát hoạt động giao dịch công nghệ, tài sản trí tuệ; niêm yết giá chào mua, giá chào bán công nghệ, tài sản trí tuệ theo từng thời điểm;
- Trưng bày, giới thiệu, quảng cáo, cung cấp công nghệ, thiết bị theo nhu cầu của tổ chức, cá nhân;
- Tư vấn, môi giới giao dịch công nghệ, tài sản trí tuệ; thực hiện giao dịch công nghệ theo hợp đồng đại diện, ủy thác, ủy quyền, đại lý, ký gửi theo nhu cầu của tổ chức, cá nhân;
- Hỗ trợ thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, tài sản trí tuệ của tổ chức KH&CN, doanh nghiệp KH&CN, các tổ chức khác có hoạt động tạo ra kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, tài sản trí tuệ;
- Cung cấp dịch vụ đặt hàng nghiên cứu, hoàn thiện, chuyển giao công nghệ và hợp tác đầu tư nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ;
- Cung cấp dịch vụ tư vấn, hỗ trợ chủ sở hữu, đại diện chủ sở hữu, người có quyền sử dụng kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, tài sản trí tuệ và các bên liên quan trong việc xác định giá trị của kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, tài sản trí tuệ;
- Thực hiện yêu cầu của cơ quan nhà nước trong việc xác định giá trị kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, tài sản trí tuệ;
- Tư vấn cho tổ chức, cá nhân về cách thức đổi mới sản phẩm, dịch vụ; đổi mới quy trình quản lý, tổ chức sản xuất kinh doanh; quản trị hoạt động đổi mới sáng tạo; quản trị, khai thác và thương mại hóa tài sản trí tuệ;
- Cung cấp dịch vụ hỗ trợ tổ chức, cá nhân trong lựa chọn, tiếp thu, giải mã, làm chủ, cải tiến công nghệ;
- Cung cấp cơ sở vật chất - kỹ thuật và dịch vụ thiết yếu phục vụ hoạt động ươm tạo công nghệ, ươm tạo doanh nghiệp KH&CN;
- Tư vấn, đào tạo về nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ; hoàn thiện, ứng dụng, thương mại hóa công nghệ; khởi sự doanh nghiệp, quản trị doanh nghiệp, phát triển thị trường, xây dựng thương hiệu, quản trị tài sản trí tuệ;
Một trong những phương thức thúc đẩy thị trường KH&CN là phát triển tổ chức trung gian. Trong thời gian qua qua, các tổ chức trung gian của thị trường KHCN đã đạt nhiều kết quả nhất định. Trong đó, SGDCN - vốn được xem là tổ chức quan trọng trong hệ thống và là nền tảng cho hoạt động tư vấn, môi giới, xúc tiến chuyển giao, thương mại hóa công nghệ, đánh giá khoa học, định giá công nghệ. Công nghệ có thể chuyển giao trực tiếp từ bên cung sang bên cầu mà không cần có sự can thiệp của tổ chức trung gian. Tuy nhiên sẽ rất rủi ro cho cả bên cung và cầu công nghệ nếu giao dịch không có bên thứ ba đảm bảo. Với vai trò của SGDCN là sử dụng uy tín của bên thứ ba (có thể là tổ chức của Nhà nước) để hỗ trợ tạo thuận lợi và đảm bảo cho giao dịch công nghệ hoặc tài sản trí tuệ một cách công khai minh bạch, khách quan. Đồng thời, SGDCN còn cung cấp các dịch vụ hỗ trợ định giá công nghệ, tư vấn kỹ thuật, nhằm đảm bảo quyền lợi cho bên cung và bên cầu công nghệ. Thực tế cho thấy, SGDCN góp phần tăng tỷ trọng giao dịch công nghệ của quốc gia, tạo môi trường hoạt động sáng tạo, đổi mới công nghệ, nâng cao năng lực KH&CN quốc gia, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, góp phần bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân và tổ chức tham gia TTKH&CN. Một lợi ích khác của SGDCN là giúp cho cơ quan quản lý nắm bắt được các số liệu về giao dịch công nghệ thông qua sàn, kiểm soát, chọn lọc được công nghệ tốt, loại bỏ các công nghệ lạc hậu không có lợi. Cũng thông qua số liệu của SGDCN, có thể đánh giá được xu thế của công nghệ để từ đó có định hướng cho nghiên cứu và phát triển sản xuất.
Vai trò kết nối cung - cầu trong hoạt động chuyển giao công nghệ
Bản thân SDGCN là một tổ chức thông tin với hệ thống các CSDL chính: “bên cung” và “bên cầu” và các CSDL hỗ trợ: các tổ chức trung gian: chuyên gia tư vấn, viện nghiên cứu, trường đại học, trung tâm chuyển giao công nghệ, nhà đầu tư, v.v... SDGCN giúp tiếp cận được với nội hàm mấu chốt của hoạt động chuyển giao công nghệ: các sản phẩm công nghệ giới thiệu chào bán và nhu cầu tìm mua của doanh nghiệp. SDGCN là nơi hỗ trợ tích cực cho hoạt động thương mại hóa các kết quả nghiên cứu của các viện nghiên cứu, trường đại học. Ngoài ra, SDGCN còn là cầu nối giữa nhà đầu tư và các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Với cơ hội tài chính nhận được từ nhà đầu tư, các doanh nghiệp vừa và nhỏ có thể đổi mới công nghệ để nâng cao năng lực cạnh tranh. SDGCN là nơi kết nối tốt hoạt động chuyển giao công nghệ vì đảm bảo được tính chất liên ngành và liên khu vực. Các sản phẩm công nghệ giao dịch trên sàn thuộc nhiều ngành khác nhau và không phân biệt vị trí địa lý của bên mua và bên bán. Một yếu tố khác hỗ trợ tốt cho hoạt động kết nối của sàn là sự hỗ trợ tiếp cận với chuyên gia tư vấn về kỹ thuật, về pháp lý trong quá trình giao dịch công nghệ.
Vai trò bảo mật thông tin
Do tính đặc thù của công nghệ như đã nêu trên, các giao dịch công nghệ cũng có các đặc điểm cơ bản. Thứ nhất, giao dịch công nghệ có tính lũng đoạn song phương. Bên bán có khuynh hướng không muốn cung cấp thông tin thật chi tiết cho khách hàng tiềm năng, trong khi bên mua lại muốn biết nhiều hơn. Thứ hai, giao dịch công nghệ có tính thâm nhập lẫn nhau. Để bên mua làm chủ được công nghệ, phải có quá trình để bên bán tư vấn, đào tạo nhân lực sử dụng công nghệ cho bên mua. Đồng thời, dựa vào năng lực công nghệ, yêu cầu thực tiễn của bên mua, bên bán sẽ có các nghiên cứu thực nghiệm bổ sung để đảm bảo công nghệ phù hợp với nhu cầu của bên mua. Thứ ba, giao dịch công nghệ là quá trình phức tạp. Vì lợi ích kinh tế, bên bán luôn muốn gia tăng số lần chuyển nhượng công nghệ, trái lại, bên mua muốn giảm thiểu phạm vi chuyển nhượng của bên bán để duy trì sự chiếm lĩnh thị trường đối với sản phẩm làm ra. Triển khai công nghệ là quá trình tìm tòi, vì vậy thương mại hóa sản phẩm công nghệ đôi khi là một dự kiến mà cả hai bên chưa lường hết được trước khi ký kết hợp đồng.
Với các đặc điểm trên của giao dịch công nghệ, rõ ràng để đi đến chuyển giao công nghệ thành công đòi hỏi bên mua cần rất nhiều thông tin, đôi khi phải tìm hiểu rất nhiều nơi. SDGCN cung cấp cho bên mua cơ hội để sàng lọc thông tin và được trao đổi tiếp cận từ đặt hàng ban đầu. Điều này giúp bên mua giữ được bí mật thông tin về việc tìm mua, đổi mới công nghệ trong chiến lược phát triển của mình, một nguồn tin quan trọng luôn được theo dõi bởi các đối tác cạnh tranh. Tương tự, bên bán công nghệ, chủ sở hữu các công trình nghiên cứu cũng rất cần bảo mật thông tin trước khi chuyển giao cho khách hàng. SDGCN sẽ là nơi các chủ sở hữu tin cậy để gửi các thông tin đến các khách hàng có nhu cầu tìm mua công nghệ.
Vai trò chuyên gia về tư vấn chuyển giao công nghệ
SDGCN đóng vai trò như nhà tư vấn chuyên nghiệp, cung cấp tri thức, kỹ năng về TTKH&CN cho cả bên mua và bên bán. Đối với bên bán, SGDCN có thể tư vấn định hướng thị trường cho sản phẩm công nghệ bằng cách tiến hành các cuộc khảo sát, thăm dò thị trường, ngoài ra với sự tham gia của các nhà đầu tư có thể giúp các công nghệ đã hoàn thiện và chưa hoàn thiện tìm được giải pháp tài chính để thực hiện chuyển giao. Đối với bên mua, SDGCN cung cấp các dịch vụ đánh giá, định giá công nghệ giúp hai bên có thể thương lượng giá cả chuyển giao công nghệ trên cơ sở hợp lý, bên mua lựa chọn được công nghệ tốt. Ngoài ra, với sự tư vấn về các thủ tục pháp lý, SDGCN hỗ trợ bên mua và bên bán có được hợp đồng chuyển giao công nghệ đảm bảo được cân bằng lợi ích giữa 2 bên.
Cung cấp sân chơi cho hoạt động chuyển giao công nghệ
Theo định nghĩa, SDGCN như là một TTKH&CN thu nhỏ và có tổ chức. Ngoài cơ sở pháp lý về chuyển giao công nghệ, SDGCN còn được đảm bảo cơ chế tổ chức và hoạt động được cấp có thẩm quyền quy định. SDGCN đóng vai trò là một tổ chức trung gian đảm bảo quyền lợi chính đáng trên cơ sở quy định của pháp luật cho cả bên mua và bên bán.
SDGCN đóng vai trò quan trọng trong hoạt động chuyển giao công nghệ. Trước tiên là nơi để gặp gỡ, kết nối bên cung và bên cầu bằng phương pháp giao tiếp thông tin, tiếp đến là đóng vai trò chuyên gia tư vấn về pháp lý, kỹ thuật, đầu tư tài chính hỗ trợ cho cả bên mua và bên bán, SGDCN cung cấp sân chơi với môi trường pháp lý được đảm bảo cho hoạt động giao dịch công nghệ và là nơi đáng tin cậy để bên mua và bên bán trao đổi thông tin về nhu cầu và sản phẩm hàng hóa của mình.
Cần thiết xây dựng SDGCN để thúc đẩy phát triển TTKH&CN vì đây là loại hình dịch vụ KH&CN ở trình độ cao đảm bảo được các yêu cầu phối hợp, liên kết, hội tụ các nguồn lực KH&CN để phục vụ cho hoạt động đổi mới, sáng tạo của doanh nghiệp và các nhà nghiên cứu.
Thế giới đang bước vào kỷ nguyên cách mạng công nghiệp lần thứ tư, thời đại nền kinh tế số đang phát triển mạnh mẽ, bắt buộc mọi thành phần của nền kinh tế hàng hóa truyền thống phải thay đổi để đáp ứng xu thế mới. TTKH&CN và SGDCN cũng là một thành phần tất yếu. Để thúc đẩy TTKH&CN phát triển, SGDCN phải làm tốt vai trò tổ chức trung gian của mình bằng cách đổi mới sáng tạo bắt kịp xu thế công nghệ phát triển của thế giới. Đồng thời tận dụng được sức mạnh của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra mạnh mẽ và rộng khắp. Chỉ như vậy mới mong thay đổi được môi trường khoa học công nghệ làm nền tảng phát triển cho đất nước.