FREE

Hồ sơ

Viện hóa học Quốc gia: Việt Nam Tỉnh thành: Hà Nội Ngày tham gia: 29/09/2017 Thành viên miễn phí Sản phẩm chính: công nghệ xử lý nước Lượt truy cập: 154,849 Xem thêm Liên hệ

Lĩnh vực

Viện hóa học

LỊCH SỬ PHÁT TRIỂN VIỆN HÓA HỌC

Ngày 16/9/1978, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 230/CP về việc thành lập Viện Hóa học trực thuộc Viện Khoa học Việt Nam (nay là Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam).

Viện Hóa học có nhiệm vụ nghiên cứu các vấn đề cơ bản có định hướng, có tầm quan trọng đối với Việt Nam trong lĩnh vực hóa học; nghiên cứu áp dụng các thành tựu hóa học trong nền kinh tế quốc dân; đào tạo cán bộ nghiên cứu hóa học; xây dựng các mối quan hệ hợp tác nghiên cứu, triển khai đào tạo với các tổ chức trong và ngoài nước.

Từ năm 1978 đến 1998:

Tiền thân của Viện Hóa học là một số cơ sở nghiên cứu về hóa học được thành lập trong thời gian kháng chiến chống Mỹ cứu nước từ cuối những năm 60 và đầu những năm 70 và trực thuộc khối nghiên cứu của Ủy ban Khoa học kỹ thuật Nhà nước, hiện nay là Bộ Khoa học và Công nghệ.

GS.TSKH. Hồ Sỹ Thoảng là Viện phó Viện Khoa học Việt Nam kiêm Viện trưởng Viện Hóa học. Các phó Viện trưởng là PGS.TS. Trần Nguyên Tiêu và GS.TSKH. Đặng Văn Luyến. Viện Hóa học đã được GS.VS. Nguyễn Văn Hiệu giúp đỡ, tăng cường cho một bộ phận cán bộ, phòng thí nghiệm và một số trang thiết bị nghiên cứu của Viện Vật lý.

Trong thời kỳ này Viện đã xây dựng Phân Viện Hóa học tại Thành phố Hồ Chí Minh, trụ sở tại số 1 Mạc Đĩnh Chi.

Năm 1985 Phòng Hóa học các hợp chất Thiên nhiên được tách khỏi Viện Hóa học để thành lập Trung tâm Hóa học các hợp chất Thiên nhiên trực thuộc Viện Khoa học Việt Nam.

Đến năm 1987, GS.TSKH. Quách Đăng Triều đảm nhiệm cương vị Viện trưởng. Các phó Viện trưởng là PGS.TS. Trần Nguyên Tiêu, GS. TSKH. Trịnh Xuân Giản, PGS.TS. Nguyễn Đức Nghĩa, và PGS.TS. Nguyễn Văn Hải.          .

Năm 1992 Phân Viện miền Nam đã được tách khỏi Viện để thành lập một số đơn vị độc lập.

Từ năm 1992, GS.TSKH. Đặng Vũ Minh được cử làm Viện trưởng. Các Phó Viện trưởng gồm: GS.TSKH. Trần Văn Sung , PGS.TS Phạm Hữu Lý, TS. Phạm Văn Quý và TS.

Nguyễn Thế Đồng .

Năm 1993, một số bộ phận của Viện Hóa học các hợp chất thiên nhiên đã chuyển về Viện Hóa học thành lập ra 7 Tập thể khoa học. Tập thể Hóa Công nghệ của PGS.TSKH.

Nguyễn Xuân Nguyên tách khỏi Viện Hóa học để thành lập Liên hiệp Khoa học sản xuất Công nghệ hóa học.

Sau gần 20 năm thành lập, các hoạt động nghiên cứu và triển khai của Viện Hóa học được tập trung vào năm hướng chính sau đây:

- Các hợp chất có tính sinh học

- Vật liệu hữu cơ

- Vật liệu vô cơ

- Các vấn đề về phân tích và hóa chất tinh khiết

- Kiểm soát và xử lý ô nhiễm môi trường

* Các kết quả nổi bật của Viện theo các hướng nghiên cứu trong giai đoạn này gồm:

- Nghiên cứu các hợp chất có hoạt tính sinh học từ các loại thảo dược truyền thống của Việt Nam đặc biệt các loại thuốc chống sốt rét trên cơ sở artemisinin chiết xuất từ cây

Thanh hoa hoa vàng và các dẫn xuất của nó, rutin từ hoa hòe làm thuốc tim mạch, huyết áp, rotudin từ củ bình vôi làm thuốc an thần. Một số chất có hoạt tính chống ung thư, hỗ trợ cai nghiện ma túy, các chất kháng sinh, các chất pheromom, diệt nấm, diệt côn trùng, điều hòa sinh trưởng thực vật… cũng được triển khai nghiên cứu và có kết quả quan trọng.

- Các loại tinh dầu, hương liệu dùng trong công nghiệp thực phẩm, mỹ phẩm và dược phẩm.

- Các hợp chất kích thích sinh trưởng thực vật, tăng hàm lượng đường trong mía, phân bón vi sinh và phân bón thảo mộc; các loại phân bón chậm tan;…

- Vật liệu cảm quang, nhựa bọc bịt dùng trong công nghiệp in, điện và điện tử, vật liệu polyme compozit có các tính chất đặc biệt , các công trình nghiên cứu về cao su thiên nhiên Việt Nam biến tính.

- Các loại xúc tác hóa dầu; vật liệu dùng cho tích trữ và chuyển hóa năng lượng vật liệu chế tạo điện cực biến tính; các loại vật liệu gồm có độ bền hóa và bền nhiệt cao; nghiên cứu công nghệ chế biến kim loại quý, đá quý.

- Xây dựng gần 70 quy trình phân tích cấp Quốc gia, trong đó 40 quy trình đã trở thành tiêu chuẩn Nhà nước được áp dụng rộng rãi trong phân tích, đánh giá, giám định, điều tra về tài nguyên thiên nhiên, môi trường, xuất, nhập khẩu…; nghiên cứu các hiệu ứng phân tích mới làm cơ sở để nâng cao độ tin cậy của các phép đo; ứng dụng tin học để chế tạo nhiều thiết bị điện hóa hiện đại.

- Phân tích, đánh giá sự ô nhiễm môi trường nước, đất và không khí. Nhiều công nghệ tiên tiến đã được nghiên cứu và ứng dụng có kết quả trong việc xử lý và bảo vệ môi trường như dây chuyền xử lý nước thải sinh hoạt của các khu dân cư, nước thải của các nhà máy dệt nhuộm, thuộc da, giấy… Công nghệ xử lý nước phèn ở đồng bằng sông Cửu Long, nước nhiễm mặn ở Quảng Bình.

Công tác đào tạo Sau đại học của Viện cũng đạt được những thành tựu đáng kể. Đến thời điểm đó, Viện đã đào tạo được 1 TSKH, 20 tiến sĩ, 15 thạc sỹ, trong đó có 10 thạc sỹ trong một chương trình cho miền núi.

Trong giai đoạn này Viện đã tổ chức thành công 16 hội nghị, hội thảo quốc tế và quốc gia về Hóa học; hơn 250 công trình khoa học đã được công bố trên các Tạp chí khoa học trong nước và Quốc tế; gần 200 báo cáo khoa học tại các Hội nghị khoa học Quốc gia và Quốc tế; 9 bằng phát minh, sáng chế.

2. Thời kỳ phát triển và hội nhập (1998 đến 2008)

Giai đoạn này, Viện Hóa học duy trì hình thức tổ chức vừa có phòng nghiên cứu vừa có tập thể khoa học và nhóm nghiên cứu. Năm 2002, 2 tập thể khoa học của TS. Nguyễn Thế Đồng và PGS.TS. Nguyễn Thị Phương Thảo đã chuyển đến viện mới thành lập là Viện Công nghệ Môi trường. Đến năm 2008, Viện có 25 phòng và tập thể khoa học và một số nhóm nghiên cứu và được chia làm 5 hướng chính gồm:

- Hướng các chất có hoạt tính sinh họ

- Hướng Khoa học và công nghệ polyme

- Hướng Vô cơ hóa lý

- Hướng Hóa phân tích

- Hướng Hóa môi trường

Đây là giai đoạn Viện củng cố, phát huy các thành tích đã đạt được trong những năm qua và xây dựng những định hướng phát triển tiếp theo, trong đó hợp tác quốc tế, đầu tư tăng cường tiềm lực được đặc biệt quan tâm.

Từ năm 2002 GS.TSKH. Trần Văn Sung đảm nhiệm chức vụ Viện trưởng Viện Hóa học, các Phó Viện trưởng là PGS.TS. Nguyễn Văn Hùng và ThS. Trần Văn Chín, năm 2007 TS. Nguyễn Văn Tuyến được bổ nhiệm làm Phó Viện trưởng.

* Các kết quả nổi bật của Viện theo các hướng nghiên cứu trong giai đoạn này gồm:

Trong giai đoạn này, Viện Hóa học đã tập trung vào lĩnh vực nghiên cứu cơ bản có định hướng và nghiên cứu cơ sở khoa học cho việc phát triển Công nghệ trong lĩnh vực hóa hữu cơ, hóa sinh, hóa vật liệu và hóa dược. Nhiều đề tài nghiên cứu khoa học cấp Viện KH&CNVN, cấp nhà nước, có dự án trọng điểm được triển khai và đạt kết quả tốt. Những đề tài, dự án nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ của Viện đã bám sát các yêu cầu của thực tiễn đất nước, bảo đảm chất lượng khoa học cao theo xu hướng ngày cáng hội nhập với quốc tế. Nhiều đề tài đã được đưa vào ứng dụng trong đời sống, mang lại hiệu quả kinh tế xã hội, được các cơ quan, địa phương trong cả nước đánh giá cao.

Ngoài ra Viện cũng có nhiều đóng góp vào việc giải quyết các vấn đề bức xúc liên quan đến an ninh xã hội như vấn đề tái chế rác thải bệnh viện, vấn đề an ninh an toàn thực phẩm (rau nhiễm độc của Hà Nội, chất màu thực phẩm độc hại), vụ nhà tự cháy ở Quảng Nam, tự cháy ở Tây Ninh, chất ma túy mới ở vũ trưởng New Century..vv..

Sau đây là một số kết quả nổi bật :

- Các công trình nghiên cứu điều tra sàng lọc các hoạt chất từ thực vật Viện Nam; đã đóng góp cho kho tàng chất của thế giới hàng trăm chất mới, có cấu trúc lý thú, trong dó có những cấu trúc chưa từng được biết đến và hoạt tính sinh học tốt từ cây cỏ Việt Nam. Hàng trăm bài báo khoa học được đăng tải các tạp chí hàng đầu của quốc tế và trong nước.

- Nghiên cứu phát triển một số bài thuốc y học cổ truyền để chữa một số bệnh nhiệt đới và hỗ trợ điều trị cắt cơn nghiện ma túy; nghiên cứu xây dựng quy trình công nghệ, sản xuất thử chitin/chitosan dùng làm màng băng, màng sinh học, thuốc kem chữa bỏng, chữa nấm, thực phẩm bổ dưỡng, bảo quản thực phẩm…

- Đã nghiên cứu và tổng hợp được một số biệt dược (quy mô phòng thí nghiệm) dùng làm thuốc chữa ung thư như cyclophosphamid, taxol, taxoter, tamoxifen, thuốc tiểu đường (glibenclamid); thuốc sốt rét (piperaquin); thuốc chữa bệnh HIV/AIDS (stavudin); cúm gia cầm H5N1 (oseltamivir phossphat); thuốc kháng vi rút như acyclovir…

- Đã nghiên cứu và xây dựng quy trình công nghệ, sản xuất thử một số vật liệu mới trên cơ sở các polyme, polyme nanocomposit có tính chất đặc biệt, được sử dụng để chế tạo đệm chống và đập tàu biển, đế giầy, guốc hãm tàu hỏa, xử lý ô nhiễm dầu, giữ nước cho cây trồng, các sản phẩm trong công nghiệp in, điện và điện tử.

- Nghiên cứu các hiệu ứng, các chất tăng cường, điện cực biến tính, sensor điện hóa cũng như các phép đo hiện đại có sử dụng máy vi tính, xây dựng các phương pháp đo quang phân tử, đo quang nguyên tử, sắc ký và điện hóa hiện đại để xác định sự phân bố các nhóm chức, các dạng cấu trúc hóa học các chất vô cơ và hữu cơ trong các mẫu tự nhiên phức tạp với độ chính xác và chọn lọc cao.

- Đã xây dựng quy trình công nghệ chế tạo các vật liệu rây phân tử (Zeolit. AlPO4-n, M4IS) từ nguyên liệu trong nước đạt chất lượng cao dùng làm chất hập phụ và xúc tác cho lọc hóa dầu, xử lý môi trường và y tế.

Về hợp tác quốc tế, Viện Hóa học đã xây dựng, duy trình và phát triển tốt các mối quan hệ hợp tác về nghiên cứu, triển khai và đào tạo với nhiều nước và các tổ chức quốc tế. Viện thường xuyên cử các cán bộ khoa học đi nghiên cứu, thực tập và đào tạo sau đại học tại các nước tiên tiến như: Đức, Pháp. Mỹ,Bỉ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Canada, Úc, Thụy Điển….

Một số dự án quốc tế được thực hiện có hiệu quả như sau:

- Dự án với Cộng Hòa Pháp CNRS về các hợp chất thiên nhiên có hoạt tính sinh học.

- Dự án với Hãng Tibotec, Vương quốc Bỉ về đa dạng sinh học và tổng hợp các hợp chất có hoạt tính sinh học.

- Dự án hợp tác đa dạng sinh học ICBG, Mỹ để nghiên cứu hoạt tính sinh học của cây cỏ tại rừng quốc gia Cúc Phương.

- Dự án bài thuốc cai nghiện Heantos VIE/96/033 với UNDP.

- Dự án với Hãng Bayer và Viện Sinh hóa thực vật Halle, CHLB Đức.

3. Viện Hóa học 5 năm gần đây (2008-2013)

Từ tháng 12/2008, PGS.TS Nguyễn Văn Tuyến được bổ nhiệm làm Viện trưởng, các Phó Viện trưởng gồm: PGS. TS Vũ Anh Tuấn, ThS Trần Văn Chín. Đến tháng 7/2012 thêm 2 Phó Viện trưởng TS Vũ Đức Lợi và TS Ngô Quốc Anh được bổ nhiệm

Tháng 5/2010, phòng Hóa học các hợp chất Terpen của GS. Nguyễn Văn Hùng được điều động sang đơn vị mới là Viện Hóa sinh biển.

Từ năm 2010, Viện đã cơ cấu lại tổ chức cho phù hợp để đáp ứng với tình hình mới: Toàn bộ các Tập thể khoa học đã dần được chuyển đổi hoặc sát nhập thành các phòng nghiên cứu. Hiện nay Viện có có 22 phòng chuyên môn, 01 Trung tâm nghiên cứu liên ngành. Cùng với việc thành lập các Phòng nghiên cứu, Viện đã bổ nhiệm 14 trưởng phòng, 16 phó trưởng phòng nghiên cứu và một số cán bộ Phụ trách Phòng.

* Về nhiệm vụ nghiên cứu khoa học và ứng dụng triển khai:

Từ năm 2009 đến nay, Viện đã được giao chủ trì thưc hiện 44 đề tài Nghiên cứu cơ bản thuộc Quỹ phát triển KH và CN Quốc gia (Nafosed). Kết quả thực hiện các đề tài này đã góp phẩn nâng cao số lượng các công trình công bố Quốc tế của Viện Hóa học trong những năm vừa qua.

Viện cũng đã và đang chủ trì thực hiện nhiều đề tài thuộc các Chương trình nghiên cứu KHCN trọng điểm Quốc gia như: Chương trình Vật liệu mới, chương trình Hóa dược, chương trình Tây nguyên 3, chương trình Nước sạch và vệ sinh nông thôn; Các đề án về phát triển nhiên liệu sinh học, đề án phát triển công nghệ môi trường Việt Nam; Các nhiệm vụ Hợp tác Quốc tế về KH và CN theo Nghị định thư với Cộng hóa Pháp, Đức, Italia; các đề tài cấp Viện Hàn lâm KH và CN Việt Nam; và nhiều đề tài với các Sở Khoa học Công nghệ các tỉnh thành phố như: Hà Nội, Vĩnh Phúc, Quảng Ninh, Thanh Hóa, Thái bình…

Hiện nay, Viện cũng đang chủ trì thực hiện dự án Hợp tác Quốc tế ODA về biến đổi khí hậu với Vương quốc Đan mạch, dự án NGO với Cộng hòa Pháp và Cộng hòa Liên bang Đức.

Ngoài các đề tài và dự án nghiên cứu khoa học, Viện cũng thực hiện nhiều các hợp đồng dịch vụ khoa học công nghệ với doanh thu hàng năm trên 10 tỷ, nộp thuế cho Ngân sách Nhà nước trên 1 tỷ đồng /1năm.