Tham gia dự án JCM: Cơ hội đổi mới công nghệ, tiết kiệm năng lượng
14/01/2016
4155 Lượt xem
Do khó khăn về vốn, công nghệ, nhiều doanh nghiệp (DN) thực hiện chưa hiệu quả tiết kiệm năng lượng. Những khó khăn, vướng mắc này sẽ được tháo gỡ khi doanh nghiệp tham gia dự án JCM với cơ chế bù trừ tín chỉ phát thải khí CO2 với các đối tác Nhật Bản.
Giới thiệu về dự án JCM:
Cơ chế Tín chỉ chung (JCM) là cơ chế Nhật Bản đề xuất đối với các quốc gia đang phát triển nhằm thúc đẩy việc chuyển giao và phổ biến các công nghệ phát thải các-bon thấp để hướng tới tăng trưởng xanh ở nước sở tại và hỗ trợ thực hiện cam kết quốc tế về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính của Nhật Bản.
Mục đích của Cơ chế JCM là:
- Phổ biến công nghệ, sản phẩm, hệ thống, dịch vụ, cơ sở hạ tầng carbon thấp của Nhật Bản, góp phần phát triển bền vững tại các nước đang phát triển;
- Đóng góp giảm phát thải khí nhà kính định lượng thông qua hành động giảm thiểu ở các nước đang phát triển và đạt được các mục tiêu giảm phát thải của các nước phát triển (Nhật Bản).
- Đóng góp vào mục tiêu của UNFCCC về giảm phát thải toàn cầu.
Giai đoạn đầu JCM hoạt động theo cơ chế không chuyển nhượng tín chỉ. Bên cạnh đó, Nhật Bản và các nước đối tác đang tiếp tục thảo luận để chuyển đổi sang cơ chế chuyển nhượng tín chỉ trong thời gian sớm nhất có thể. JCM hướng đến mục tiêu có đóng góp cụ thể cho những nỗ lực thích ứng tại các nước đang phát triển khi JCM chuyển sang cơ chế chuyển nhượng tín chỉ. JCM có hiệu lực cho đến khi khuôn khổ quốc tế mới theo UNFCCC có hiệu lực.
Cơ chế tài chính cho các dự án JCM:
+) Chính phủ Nhật Bản
- Bộ Môi trường Nhật Bản (MOEJ): có thể lên tới 50% vốn đầu tư cho công nghệ;
- Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật bản (METI) và NEDO: 100% vốn đầu tư cho công nghệ, nhưng phải mua lại sau thời gian thí điểm hoặc trình diễn của dự án (3 năm) với mức chiết khấu thông thường (mức chiết khấu 23%);
+) Các cơ chế tài chính khác
- Quỹ Nhật Bản cho Cơ chế JCM (JFJCM): Cung cấp tài chính cho các dự án áp dụng công nghệ phát thải thấp tiên tiến
- Quỹ mở rộng công nghệ phát thải thấp: Hỗ trợ tài chính dành cho các dự án JCM đang phối hợp với các dự án khác do JICA hoặc cơ quan Nhật bản tài trợ để tăng hiệu quả giảm phát thải khí nhà kính.
Hiện nay, đã có 14 quốc gia tham gia vào Cơ chế JCM trên thế giới. Việt Nam là quốc gia thứ 6 ký Bản ghi nhớ hợp tác về Tăng trưởng các-bon thấp giữa Việt Nam và Nhật Bản (ngày 02 tháng 7 năm 2013) nhằm triển khai thực hiện Cơ chế JCM.
Để giúp Chính phủ Việt Nam và Nhật Bản triển khai Cơ chế JCM, hai Bên đã thành lập Ủy ban Hỗn hợp (UBHH) gồm đại diện của Việt Nam và Nhật Bản nhằm chỉ đạo, điều phối và quản lý các hoạt động thực hiện JCM theo Bản ghi nhớ hợp tác về Tăng trưởng các-bon thấp giữa Việt Nam và Nhật Bản. Thành viên của UBHH gồm các đại diện của Việt Nam và Nhật Bản. Đứng đầu UBHH gồm 02 đồng chủ tịch là đại diện của Việt Nam và Nhật Bản. Phía Việt Nam, các thành viên tham gia UBHH gồm đồng chủ tịch là Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường và các đại diện của các Bộ ngành có liên quan.
Để giúp việc cho Uỷ ban Hỗn hợp, hai Bên đã thành lập Tổ Thư ký. Phía Việt Nam, Tổ thư ký bao gồm một số cán bộ của Cục Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu, Bộ Tài nguyên và Môi trường. Tổ Thư ký thực hiện các thủ tục hành chính liên quan tới dự án JCM.
Dự án JCM là dự án được thực hiện trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam có mục tiêu cắt giảm phát thải hoặc tăng cường hấp thụ khí nhà kính để hỗ trợ thực hiện cam kết quốc tế về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính của Nhật Bản và phù hợp với điều kiện quốc gia của Việt Nam. Dự án được công nhận là dự án JCM khi được UBHH phê duyệt. Dự án “Lái xe sinh thái thông qua sử dụng bộ đo tốc độ điện tử” là dự án đầu tiên được đăng ký thành công theo Cơ chế JCM tại Việt Nam.
Cơ hội từ dự án JCM
Công ty xi- măng Chin fon đang được Công ty Amita (Nhật Bản) tư vấn, hỗ trợ việc tận dụng chất thải làm nguyên liệu, nhiên liệu sản xuất xi-măng. Việc tận dụng nhiệt năng từ đốt cháy các chất thải thay thế tiết kiệm khoảng 20-25% lượng nhiên liệu cho quá trình đốt, các chất thải này sẽ là thành phần cho phụ gia, góp phần tiết kiệm 5-10% nguồn nguyên liệu phục vụ sản xuất xi-măng. Đây là lợi ích bước đầu doanh nghiệp khi tham gia dự án JCM.
Nhờ thực hiện tiết kiệm năng lượng, Big C Hải Phòng tiết kiệm đáng kể tiền điện.
Đoàn chuyên gia của thành phố Kytakyushu (Nhật Bản) vừa có cuộc khảo sát, nghiên cứu khả năng phát triển các dự án JCM tại Hải Phòng. Nhà máy xi-măng Chinfon là một trong 3 DN đăng ký tham gia khảo sát và thực hiện dự án. Đây là DN có mức tiêu thụ năng lượng nhiều nhất trên địa bàn thành phố. DN thực hiện nhiều biện pháp tiết kiệm năng lượng như lắp thiết bị phát điện bằng nhiệt thừa, lắp inverter (công nghệ tự động biến tần thiết bị điện) vào các động cơ; tận dụng chất thải,.... Tuy nhiên, việc tận dụng chất thải làm nguyên liệu, nhiên liệu sản xuất hiệu quả thấp, do DN chưa thu thập đủ số liệu. Để tháo gỡ vướng mắc cho DN, Nhật Bản giới thiệu DN với Công ty Amita (Nhật Bản) xem xét, hỗ trợ việc chuyển chất thải thành nguyên liệu, nhiện liệu.
Cùng đợt khảo sát, còn có khách sạn Harbour View, siêu thị Big C cũng được chuyên gia Nhật Bản thu thập các số liệu. Sau khi khảo sát, đánh giá việc tiết kiệm năng lượng của DN, các chuyên gia Nhật Bản tư vấn, hỗ trợ DN thực hành các biện pháp tiết kiệm năng lượng. khách sạn Harbour View được giới thiệu với Toto, nhà sản xuất hàng đầu Nhật Bản về thiết bị sứ vệ sinh và thiết bị dẫn nước kim loại về việc lắp thiết bị tiết kiệm nước. Siêu thị Big C là một trong những DN có nhiều giải pháp hay tiết kiệm năng lượng. Tuy nhiên, đối tác Nhật Bản chỉ ra khả năng tiết kiệm năng lượng hơn nữa, nếu DN lắp bản pin mặt trời và lắp điều hòa tiết kiệm điện. Đây là những hỗ trợ bước đầu đối với những DN tham gia dự án JCM. Tại cuộc làm việc với lãnh đạo thành phố về việc thực hiện dự án JCM, chuyên gia Nhật Bản chia sẻ: đây mới là khởi động bước đầu, về lâu dài, khi chính thức tham gia dự án JCM, phía đối tác, công ty Nhật Bản đó sẽ đứng ra đăng ký với Chính phủ Nhật Bản để tìm nguồn hỗ trợ cho dự án. Việc tham gia JCM mở ra cơ hội tiếp cận công nghệ tiết kiệm năng lượng cho DN.
Tháo gỡ vướng mắc về tài chính, công nghệ
Theo kết quả khảo sát của Trung tâm Tiết kiệm năng lượng và sản xuất sạch hơn, trên địa bàn thành phố hiện có 716 DN, cơ sở sản xuất công nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực chế biến thực phẩm - thủy sản, dệt may, nhựa và cao su, gang thép...; đây là những ngành tiêu tốn nhiều năng lượng và có nguy cơ phát thải các chất gây ô nhiễm môi trường cao. Tuy nhiên, mới chỉ có 57% số DN áp dụng các giải pháp tiết kiệm năng lượng, song chủ yếu áp dụng các giải pháp đơn giản như lắp bóng đèn tiết kiệm điện, lắp biến tần cho động cơ, bố trí thời gian sản xuất vào giờ thấp điểm, tối ưu hóa hệ thống nén khí…Ví dụ khách sạn, văn phòng Harbour View khai trương năm 1998 với 122 phòng ở, buồng và căn hộ. Tuy nhiên, DN này chưa thực hiện biện pháp nào khác để tiết kiệm năng lượng. Trong khi đó, DN này có thể tiết kiệm năng lượng nhiều hơn nữa, như lắp đèn Led; lắp thiết bị tiết kiệm nước, điều hòa tiết kiệm điện. Bên cạnh đó, một số DN quan tâm tiết kiệm năng lượng, nhưng kết quả thu được chưa tương xứng tiềm năng.
Tuy nhiên, để tiết kiệm năng lượng hiệu quả, DN phải đổi mới công nghệ, thiết bị. Việc đầu tư, đổi mới công nghệ đòi hỏi chi phí không nhỏ. Theo tính toán, tiền mua sắm thiết bị tiết kiệm điện chiếm hơn 70% tổng mức đầu tư. Trong khi đó, phần lớn DN trên địa bàn thành phố là DN vừa và nhỏ, khả năng tài chính có hạn. Việc tham gia dự án JCM mở ra hy vọng cho DN đổi mới công nghệ theo hướng phát thải CO2 thấp, góp phần tái cơ cấu kinh tế theo hướng bền vững.
Website chính thức về dự án: http://jcmvietnam.vn/index.php