Hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp tại Hải Phòng: Đẩy mạnh kết nối nhà đầu tư
17/09/2018
3500 Lượt xem
Từ nay đến cuối năm 2018 và các năm tiếp theo, theo thông tin của Sở Khoa học - Công nghệ (KHCN) sẽ có thêm nhiều hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (ĐMST), trong đó đẩy mạnh kết nối doanh nghiệp khởi nghiệp (startup)-tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp và nhà đầu tư.
Mô hình sản xuất giống và hoa lan bằng công nghệ cao của anh Nguyễn Văn Hùng, ở xã Hồng Thái (huyện An Dương) ngày càng mở rộng quy mô.
Khó tìm kiếm nhà đầu tư
Anh Đỗ Minh Phương, người đồng sáng lập của đơn vị hỗ trợ khởi nghiệp tư nhân Push Coworking cho biết, Push Coworking là không gian làm việc chung đầu tiên của thành phố Hải Phòng nhưng đây cũng là một dự án khởi nghiệp mà anh vất vả gây dựng. Đầu năm 2017, sau khi anh hoàn thiện xong nơi này, 3 tháng đầu không một ai “bén mảng” vào Push. Anh Phương và các cộng sự phải “mồi” bằng cách cho một nhóm các bạn trẻ khởi nghiệp ngồi làm việc... miễn phí 1 năm. Đến thời điểm này, Push kín chỗ, nhưng anh lại gặp khó khăn trong việc phát triển mở rộng, gọi vốn, khó khăn trong việc tập hợp một cộng đồng startup, trong việc tìm kiếm những “cái đầu” dám nghĩ lớn. “Tại Hải Phòng, “mỏi mắt” cũng khó có thể tìm kiếm được nhà đầu tư. Không phải vì thành phố không có nhiều nhà đầu tư có tiềm lực, nhưng dường như họ chưa có đủ niềm tin vào các startup hoặc do startup không có kinh nghiệm tiếp cận họ. Việc họ có ủng hộ một startup nào đó mang tính chất của việc làm từ thiện hơn là đầu tư để sinh ra lợi nhuận”, anh Phương phân trần.
Cũng như anh Đỗ Minh Phương, nhiều startup Hải Phòng khi trao đổi về khó khăn hiện nay, họ đều cho rằng, khó nhất chính là không tìm kiếm được nhà đầu tư. “Ý tưởng khởi nghiệp ban đầu của chúng tôi khá nhiều, xong sau một thời gian “chạy” thử nghiệm bằng nguồn vốn và kinh nghiệm của mình, một số dự án, ý tưởng khởi nghiệp thất bại. Hoặc để “nuôi” ý tưởng, một số chủ dự án, ý tưởng khởi nghiệp phải làm “nghề tay trái”, kinh doanh, quảng bá sản phẩm khác. Vì phải tự xoay sở với “đứa con” mình đẻ ra trong khi không tìm kiếm được nhà đầu tư nên chủ các doanh nghiệp khởi nghiệp đôi khi có cảm giác mình giống như những “ngôi sao cô đơn”, Nguyễn Thị Liên, Giám đốc Công ty cổ phần thương mại và dịch vụ Lilosa cho biết.
Nhiều hình thức thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp
Phản hồi những ý kiến phản ánh của doanh nghiệp khởi nghiệp, theo Giám đốc Sở KHCN Dương Ngọc Tuấn, để khởi nghiệp thành công, các startup phải có những ý tưởng đột phá và biến ý tưởng đó thành kết quả hiện hữu, tránh đánh đồng khởi nghiệp ĐMST với việc gọi vốn, xin cơ chế để duy trì, phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ. Đồng thời, các startup cũng cần phải trau dồi kiến thức, trình độ ngoại ngữ để phục vụ tốt cho dự án của mình. Ông Dương Ngọc Tuấn cho biết, Sở KHCN tích cực phối hợp cùng các sở, ban ngành của thành phố hỗ trợ các dự án khởi nghiệp. Đồng thời, giao Sàn Giao dịch Công nghệ và thiết bị làm đầu mối triển khai một số các hoạt động hỗ trợ cộng đồng khởi nghiệp, kết nối các startup với các nhà đầu tư, tổ chức các hội thảo, tọa đàm nâng cao nhận thức, các khóa đào tạo, xây dựng kho dữ liệu về công trình nghiên cứu KHCN và các sáng chế…
Về vai trò của nhà nước trong việc thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST, Trưởng Phòng Quản lý công nghệ (Sở KHCN) Lê Thanh Huyền cho biết, sau hơn một năm triển khai kế hoạch phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST thành phố, Hải Phòng tuyển chọn được 8 dự án, ý tưởng khởi nghiệp sáng tạo và thực hiện việc hỗ trợ toàn diện ở nhiều lĩnh vực. Ngoài ra, thành phố còn thực hiện một số hỗ trợ riêng lẻ đối với các trường hợp khởi nghiệp sáng tạo như hỗ trợ sử dụng cơ sở kỹ thuật, cơ sở ươm tạo, khu làm việc chung, hỗ trợ đào tạo, xúc tiến thương mại. Sở KHCN đang được UBND thành phố giao “Xây dựng nội dung hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo” để trình kỳ họp cuối năm 2018 HĐND thành phố. Nội dung hỗ trợ các startup dự kiến bao gồm: hỗ trợ tư vấn về sở hữu trí tuệ, khai thác và phát triển tài sản trí tuệ; hỗ trợ thực hiện các thủ tục về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, đo lường, chất lượng, thử nghiệm, hoàn thiện sản phẩm, mô hình kinh doanh mới; hỗ trợ về ứng dụng, chuyển giao công nghệ; hỗ trợ về đào tạo, thông tin, xúc tiến thương mại hóa; hỗ trợ sử dụng cơ sở kỹ thuật, cơ sở ươm tại, khu làm việc chung.
Trong khi đó, đại diện Trường đại học Hàng hải Việt Nam và Trường đại học Hải Phòng cho rằng, môi trường đại học là nơi có rất nhiều ý tưởng khởi nghiệp, nhiều startup tiềm năng. Để góp phần hiện thức hóa, sẽ có sự thay đổi tư duy là đào tạo ra một bộ phận những cử nhân, kỹ sư có khát vọng khởi nghiệp thay vì đội ngũ “làm thuê” cho các doanh nghiệp. Trong tương lai gần, các trường sẽ tổ chức các câu lạc bộ khởi nghiệp, nghiên cứu lồng ghép hoặc phối hợp với các tổ chức có uy tín để đưa các chương trình đào tạo về khởi nghiệp vào giảng dạy cho sinh viên có nhu cầu; tạo điều kiện để sinh viên có thể tận dụng cơ sở vật chất, kinh nghiệm của giảng viên cho mục đích nghiên cứu, phát triển các dự án.